Phòng khám nha khoa luôn phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh chặt chẽ, bởi nơi đó là nơi chữa bệnh cho bệnh nhân. Đặc biệt trong giai đoạn chúng ta xác định sống chung với đại dịch Covid-19 thì việc đảm bảo không gian sạch vi khuẩn là điều vô cùng quan trọng. Yêu cầu khi mở phòng khám răng không thể thiếu hạng mục thiết lập hệ thống không khí và mùi đáp ứng nhu cầu vệ sinh nhưng vẫn phải bài trí phòng khám sao cho bệnh nhân thoải mái. Vậy đâu là những quy tắc quan trọng khi set up phòng khám răng mà chủ phòng khám nên lưu ý? Hãy cùng tham khảo một số gợi ý dưới đây của DentalFlow:
Đặc trưng môi trường không khí trong các phòng khám nha khoa
Nếu bạn thử tìm hiểu tâm lý của các bệnh nhân răng miệng, chắc chắn bạn sẽ có lần nghe thấy một nỗi sợ mơ hồ khiến họ ngần ngại tới các phòng khám nha khoa – sợ “mùi phòng khám”. Thứ mùi đó chính là do môi trường thông gió tại các phòng khám chưa được thiết lập chuẩn, dẫn tới lưu lượng không khí trao đổi thấp.
Trong phòng khám nha khoa, các giọt aerosol khí có thể đến từ nhiều nguồn và quy trình khác nhau, bao gồm dụng cụ nha khoa, nguồn nước bọt và hô hấp, máy cạo vôi siêu âm và ống tiêm nước trong không khí. Nếu phòng khám chưa có điều kiện về không gian rộng rãi, thì hệ thông gió thiếu chuẩn nhiều khả năng sẽ lưu giữ loại “mùi phòng khám” này – khiến khách hàng không thoải mái khi chờ đợi và điều trị.
1. Nguyên tắc thiết kế hệ thống không khí tại phòng khám
Số lần trao đổi không khí được tính theo công thức:
Q = ACH x S x H
Trong đó: Q là lưu lượng gió cấp vào phòng (m3/h)
ACH (Air Change Per Hour) là số lần trao đổi không khí mỗi giờ.
S là diện tích phòng sạch (m2)
H là chiều cao phòng sạch (m)
Việc kiểm soát số lần trao đổi gió trong phòng sạch cần được duy trì thực hiện liên tục. Gió đi vào và đi ra phòng sạch có tác dụng đưa không khí đạt tiêu chuẩn vào phòng và mang đi những hạt bụi hoặc vi khuẩn, nấm mốc… phát sinh trong quá trình điều trị.
Với các phòng khám từ 2-4 ghế, nằm trong không gian kín và chưa được rộng rãi thì việc kiểm tra này càng quan trọng hơn: Các khu vực lễ tân đón tiếp và khách chờ đợi nên có cả thông gió tự nhiên và thông gió nhân tạo, khu vực ghế khám nên có hệ thống máy lọc không khí để giúp khách hàng cảm thấy dễ hô hấp hơn khi đang được điều trị.
Trong điều kiện Covid 19, hệ thống thông khí an toàn cần phải đảm bảo:
- Thông khí tự nhiên, thông khí cơ học hoặc phối hợp nhưng lưu lượng không khí trao đổi tối thiểu phải đạt ≥12 luồng khí/giờ.
- Có thể dùng hệ thống hút khí ra ngoài (thấp bên dưới, cách nền nhà 10-15cm) ra khu vực không có người qua lại và tránh cho không khí đã ô nhiễm tái lưu thông vào khu vực buồng bệnh.
Các công nghệ phổ biến trên thị trường có thể kể đến như điều hòa có bộ lọc ion, bộ lọc các bon, máy lọc không khí, công nghệ tạo khoáng trong không khí, bổ sung màng lọc HEPA…Bằng cách tăng thông khí trong phòng khám, bạn sẽ khiến cả nhân viên lẫn khách hàng đều cảm thấy khoan khoái khi làm việc hoặc điều trị.
Thậm chí nhiều phòng khám còn khử khuẩn và thêm vào mùi hương tinh dầu dễ chịu tại sảnh đợi khiến khách hàng giảm bớt sốt ruột, nôn nóng hoặc lo lắng tại phòng khám. Năng suất làm việc tăng, lượng khách hàng trở lại cũng tăng thêm. Không khí và mùi hương dễ chịu có thể tạo ra dấu ấn thương hiệu riêng cho phòng khám của bạn, khiến khách hàng luôn nhớ mãi.
2. Set up âm thanh trong phòng khám
Ngoài không khí, âm thanh cũng có tác động đến môi trường khám. Nếu quá ồn ào sẽ gây cảm giác mệt mỏi, nhưng nếu quá im ắng, ảm đạm dễ gây khách hàng cảm giác căng thẳng, sợ hãi. Chủ phòng khám có thể bố trí thêm nền âm nhạc nhẹ nhàng cũng giúp bệnh nhân bớt đi nỗi sợ đáng kể. Thông thường, các loại âm nhạc được sử dụng trong phòng khám khuyến khích là những loại nhạc không lời, nhạc tạo cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng, êm dịu.
Nếu không, cũng có thể lắp đặt TV ở khu vực sảnh đợi, lễ tân đón khách cũng rất có tác dụng.
Ngoài ra, trong việc bố trí kiến trúc phòng khám còn có thể trang trí một số nhạc cụ. Đó cũng có thể làm một điểm sáng tạo kích thích sự vui vẻ, thích thú của bệnh nhân.
Đối với phòng khám, máy nén khí là thiết bị tại phòng khám gây ra tiếng ồn nhiều nhất, vậy nên trong quá trình thiết kế, chủ phòng khám cũng nên bố trí máy ở xa, hạn chế tiếng ồn không đáng có.
3. Thiết kế ánh sáng trong phòng khám
Ánh sáng vô cùng quan trọng trong quá trình khám chữa bệnh, điều trị nha khoa bởi từng vị trí và độ sáng cũng cần phải được tính toán và bố trí hợp lý. Nếu không có sắp xếp tỉ mỉ, phòng khám sẽ rất dễ vấp phải tình trạng như: đèn LED chiếu thẳng ánh sáng vào mắt bệnh nhân, gây ra khó chịu. Một số ánh sáng quá chói có thể gây đau đầu cho bệnh nhân bị chứng bệnh đau nửa đầu. Vậy nên, ánh sáng luôn là yếu tố cần phải được nghiên cứu kĩ. Mức độ sáng cũng vậy, không nên để quá tối hoặc quá sáng.
Lý tưởng nhất là phòng khám bố trí được ánh sáng tự nhiên bên cạnh ánh sáng nhân tạo. Bạn lưu ý bố trí cửa sổ trong quá trình thiết kế phòng khám theo hướng đón được ánh sáng từ mặt trời, càng nhiều càng tốt. Việc đón được ánh sáng mặt trời sẽ giúp cho quá trình lưu thông không khí tốt hơn, tia UV trong ánh sáng mặt trời còn có tác dụng khử sạch vi khuẩn, tránh tình trạng ẩm mốc,… virus từ đó cũng không có khả năng sinh sôi.
4. Bài trí không gian trong phòng khám
Màu sắc phòng khám cũng cần được phối màu hài hòa, màu nâu, xám và kem trung tính sẽ giúp tạo ra cảm giác thoải mái, tránh sự sợ hãi cho bệnh nhân. Trên tường, bạn hãy treo các chứng nhận, bằng cấp uy tín, hoặc các hình ảnh y khoa răng miệng đơn giản, màu sắc pastel.
Có những phòng khám cầu kì hơn sẽ trang trí theo đối tượng khách hàng chính
- Phòng khám chuyên điều trị nội nha, nhổ răng khôn, bệnh lý răng miệng, implant…: không gian rộng rãi, tông màu đơn giản
- Phòng khám chuyên làm răng thẩm mỹ, dán sứ veneer, hướng tới đối tượng khách hàng trẻ trung sành điệu: không gian sang trọng, nhiều ghế da, tạo cảm giác như spa
- Nếu phòng khám có trẻ em, tip nhỏ rất hiệu quả là bạn hãy bày thêm kệ vài món đồ chơi, hộp kẹo.. để làm phần thưởng cho sự dũng cảm của các cháu.
Không thể quên việc bố trí cây xanh, có thể đan xen việc bố trí cây thật và cây giả. Có thêm cây xanh không chỉ tốt cho quá trình lọc không khí, mà còn giúp cho bệnh nhân cảm thấy thư thái, bình tĩnh hơn.
Ngoài ra bạn có thể thêm vào một bể cá trong khu vực sảnh. Theo nghiên cứu của ADA, việc nhìn vào chuyển động của cá, cá bơi xung quanh sẽ giảm thiểu được cảm giác căng thẳng nơi bệnh nhân. Đặc biệt nếu phòng khám tiếp nhận trẻ em thì một bể cá đẹp mắt ở khu vực lễ tân sẽ giúp các bé thích thú hơn.
Bố trí bể cá vừa có tác dụng trong việc điều trị cũng có ý nghĩa trong vấn đề phong thủy. Quan điểm và phong thủy khi khu vực làm việc có nước sẽ tạo nguồn sinh khí cho kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên khi bố trí bể cá trong phòng khám thì cần phải đặc biệt lưu ý trong vấn đề vệ sinh. Bể cá cần được vệ sinh thường xuyên, tránh tình trạng bị bỏ quên trong một thời gian dài, nước đục hoặc có mùi. Đó là những điều cấm kỵ mà phòng khám không nên mắc phải để đảm bảo yêu cầu về vô trùng trong phòng khám nha khoa.
Kết luận
Nghiên cứu mới nhất của ADA cho biết, sau đại dịch Covid 19, có tới 72% bệnh nhân đã sẵn sàng trở lại phòng khám nha khoa, 14% khẳng định sẽ gặp nha sĩ nếu như địa phương đồng ý mở cửa toàn bộ các phòng khám như trước dịch, và 14% không có ý định tới nha sĩ nữa. Trong bối cảnh sau đại dịch, khách hàng càng có xu hướng thận trọng, các bác sĩ càng phải tinh tế hơn khi phục vụ nhu cầu cảm xúc của bệnh nhân.
Trên đây là một số gợi ý của DentalFlow để chủ phòng khám có các phương pháp thiết kế phòng khám răng sao cho vừa đảm bảo lưu thông không khí, không khí đạt chuẩn theo yêu cầu nhất định vừa giúp cho khách hàng cảm thấy hài lòng, thoải mái nhất có thể. Việc thiết kế phòng khám răng luôn có nhiều yêu cầu nhất định, thậm chí từ những chi tiết tỉ mỉ nhất. Nhưng nếu chủ phòng khám thực hiện thành công thì sẽ tạo ra một điểm ấn tượng rất tốt trong lòng khách hàng, tăng thêm sự uy tín cho thương hiệu nha khoa của bạn đặc biệt là trong thời kì hậu Covid 19. Chúc các bạn thành công.