Trang chủ > Uncategorized > Bệnh viêm nha chu và nguy cơ ung thư

Bệnh viêm nha chu và nguy cơ ung thư

Bệnh nha chu (Periodontitis) với nhiều người là tên gọi còn khá xa lạ. Nhiều khách hàng đã mắc phải tình trang viêm nha chu mà chính mình còn không biết. Hiểu đơn giản, viêm nha chu chính là việc nhiễm trùng nướu nghiêm trọng, gây tổn thương các mô mềm xung quanh chân răng, khiến chân răng bị lỏng và rụng mất răng.

Nhiều người còn thờ ơ vì nghĩ rằng đó chỉ là tình trạng viêm nhiễm thông thường, nhưng theo một nghiên cứu khoa học gần đây đã công bố, việc viêm nha chu chính là nguồn cơn dẫn tới nhiều căn bệnh ung thư như ung thư tuyến tụy hoặc dạ dày. Tại sao lại vậy? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của DentalFlow để có được nhận thức đúng đắn về bệnh nha chu cũng như phương pháp điều trị hay phòng ngừa phù hợp. 

1. Khái quát chung về viêm nha chu?

1.1 Nha chu là gì?

Chúng ta đã biết răng trong khoang miệng thường có ba phần là thân răng (phần nhô lên khỏi lợi), chân răng (phần gắn thân răng với lợi) và cổ răng (phần giao giữa thân răng và cổ răng). Vậy nha chu nằm ở đâu trong 3 phần này? 

bệnh nha chu và nguy cơ gây ung thư

Bệnh nha chu là gì?

Nha chu là phần tổ chức xung quanh chân răng, bao gồm phần nướu, cementum hay còn gọi là xê- măng hay men chân răng, dây chằng và xương ổ răng. Tổ chức xung quanh răng này có nhiệm vụ giữ cho răng vững chắc, tạo sự kết nối bám chặt chẽ giữa răng và lợi, đồng thời ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập làm hại răng. 

1.2 Viêm nha chu là gì? 

Khi không biết cách vệ sinh đúng cách, thức ăn còn đọng lại ở cổ răng lâu ngày sẽ sinh ra nhiều vi khuẩn. Các vi khuẩn này xâm nhập vào vùng tổ chức xung quanh răng, khiến chân răng bị viêm, vùng lợi quanh chân răng bị tổn thương, tấy đỏ, biểu hiện như chảy máu chân răng. 

bệnh nha chu và nguy cơ gây ung thư

Bệnh nha chu ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh

Ban đầu các vi khuẩn này chỉ xâm nhập vào vùng mô mềm, sau đó khi vùng mô mềm bị tổn hại, không thể bảo vệ chân răng, vi khuẩn sẽ tiếp tục xâm nhập vào chân răng, ăn sâu vào xương răng. Đó cũng là lý do tại sao khi bị viêm nha chu thì khách hàng sẽ phải đối diện với các vấn đề về đau nhức răng, chân răng lỏng lẻo hay thậm chí rụng răng. 

2. Nguyên nhân của bệnh nha chu

Như đã phân tích kể trên, việc không vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ là nguồn cơn gây ra bệnh nha chu mà hình thức thể hiện cụ thể của nó là mảng bám. Mảng bám là kết quả của quá trình tích tụ các vi khuẩn khi không biết vệ sinh răng đúng cách. 

  • Thức ăn thông thường chúng ta ăn hàng ngày thường chứa nhiều tinh bột và đường. Tinh bột và đường khi ăn nhai sẽ tiếp xúc với các vi khuẩn và hình thành nên mảng bám quanh răng. Việc vệ sinh răng miệng như súc miệng, đánh răng vào buổi sáng và tối sẽ giúp cho chúng ta loại bỏ đi mảng bám. Tuy nhiên những mảm bám này sẽ lại hình thành lại một cách nhanh chóng. 
  • Tệ hơn thế, khi mảng bám tồn tại quá lâu ngày trên răng thì chúng sẽ biến thành cao răng. Lúc này những hoạt động như đánh răng, súc miệng đã không thể loại bỏ được chúng. Để loại bỏ triệt để, chúng ta cần phải đến phòng khám nha khoa. Việc mảng bám và cao răng bám đầy xung quanh nướu rất nguy hiểm cho chân răng vì chúng chứa đầy vi khuẩn. 
  • Khi mảng bám hay cao răng chứa nhiều vi khuẩn tích tụ xung quanh vùng cổ răng sẽ khiến nướu bị viêm. Đây là mức độ nhẹ nhất của nha chu. Cụ thể là một phần nướu ôm ấp vùng chân răng sẽ bị tấy đỏ, bị sưng và dễ bị chảy máu chân răng nếu như tác động vào. Mức độ nhẹ này của nha chu có thể sớm điều trị triệt để nếu như có sự hướng dẫn của bác sĩ và thực hiện vệ sinh răng đúng cách tại nhà. 
  • Nhưng nếu trường hợp nướu không được điều trị mà bị viêm lâu dài sẽ dẫn tới viêm nha chu cấp độ nặng. Khi đó quanh chân răng, các mảng bám, cao răng sẽ ngày qua ngày tích tụ một lượng vi khuẩn khổng lồ, hình thành nên các túi nha chu giữa phần nướu và chân răng. Khi vi khuẩn càng ngày bị đọng lại càng nhiều, cũng đồng nghĩa với việc các túi nha chu này ngày càng to ra. Nướu sẽ bị ăn mòn, từ đó ăn sâu vào chân răng, xương răng khiến cấu trúc răng bị phá vỡ. Răng sẽ rời khỏi lợi, không chỉ 1 răng mà thậm chí có thể xảy ra với nhiều răng. Nặng hơn nữa có thể ảnh hưởng suy giảm hệ miễn dịch và mắc các bệnh ung thư. 

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh nha chu

Để biết mình có đang mắc bệnh nha chu hay không, bạn cần nhận biết được tình trạng của vùng nướu răng khỏe mạnh trông sẽ như thế nào. Một vùng tổ chức răng khỏe mạnh, nướu sẽ có màu hồng, nhiều sức sống, chúng cứng và đặc biệt ôm sát vào chân răng. Khi chạm tới không bị chảy máu hoặc sưng tấy. 

Ngược lại với tình trạng bệnh nha chu, sẽ có thể dễ dàng nhìn ra các tình trạng của nướu như: sưng, tấy đỏ, màu không hồng hào mà chuyển sang đỏ tươi, đỏ sẫm, dù chỉ là chạm nhẹ cũng sẽ khiến nướu dễ chảy máu. Bên cạnh đó, trái ngược với vùng nướu thông thường, vùng nướu của người bị bệnh nha chu sẽ thường không ôm sát được chân răng. Không chỉ vậy, giữa chân răng và vùng nướu dễ nhìn thấy các khe hở, nặng hơn có thể sưng, mưng mủ. 

bệnh nha chu và nguy cơ gây ung thư

Cần nắm rõ các dấu hiệu nhận biết bệnh nha chu để điều trị kịp thời

Ngoài nhận biết về vùng nướu, người bệnh cũng có thể được xác định viêm nha chu khi miệng thường bị hôi, răng không chắc chắn, dễ lung lay hoặc đau nhức, thường phải lựa chọn vùng răng để ăn nhai.  

Đó là trường hợp viêm nha chu thông thường, ngoài ra thì cũng có những trường hợp viêm nha chu khác như: 

  • Viêm nha chu mãn tính: loại này thường xuất hiện ở đa số người ở độ tuổi trẻ em, người trưởng thành. Nó thường bắt đầu ngay từ thời thơ ấu, khi các mảng bám dần được tích tụ nhiều lên qua thời gian, chúng ăn mòn nướu, chân răng dẫn đến rụng răng, mất răng. 
  • Viêm nha chu hoại tử: trường hợp này nặng hơn rất nhiều bởi nó sẽ ăn vào dây chằng và xương chân răng, khi đó nướu do không được cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết nên sẽ bị chết. Thường thì tình trạng này sẽ rất hay gặp phải trong những trường hợp bị suy dinh dưỡng, bị ung thư, hay HIV với hệ thống miễn dịch kém. 

4. Bệnh nha chu và nguy cơ ung thư 

4.1 Sức khỏe toàn thân có chịu ảnh hưởng từ nha chu? 

Miệng được xem là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, dẫn tới tình trạng sâu răng hay viêm nướu. Tuy nhiên không dừng lại tại nó, miệng cũng được các chuyên gia nhận định là cửa sổ mở phản ánh tình trạng sức khỏe toàn diện của cơ thể, bởi nó có liên quan mật thiết tới rất nhiều căn bệnh khác khi cơ thể mắc phải. 

bệnh nha chu và nguy cơ gây ung thư

Bênh viêm nha chu ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của cơ thể

Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc bệnh nha chu gây ra mất răng có liên quan tới các vấn đề về sức khỏe như tim mạch, viêm phổi. Nếu như phụ nữ mang thai bị mắc bệnh này thì còn có thể gặp phải tình trạng như sinh non, hoặc con sinh ra không đủ cân. 

Bệnh nha chu có thể là khởi nguồn của nhiều căn bệnh nguy hiểm khác gây ra cho cơ thể người hoặ cũng có thể là hệ quả của nhiều căn bệnh mang tính hệ thống. Có thể nói tới như HIV, khi người bệnh mắc phải, hệ miễn dịch suy yếu, các vi khuẩn được đà tấn công mạnh mẽ, có thể dẫn tới bệnh nha chu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Ngoài ra, bệnh nha chu đối với những người bị mắc các bệnh tiểu đường sẽ khiến họ khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường huyết. Có thể nói, bệnh nha chu nếu đứng riêng rẽ một mình, hẳn sẽ có nhiều biện pháp và cơ hội điều trị triệt để, tuy nhiên nó lại thường liên quan tới các bệnh nguy hiểm khác, cùng kết nối với nhau hủy hoại sức khỏe con người. 

Và cụ thể hơn trong khuôn khổ bài viết này, ta sẽ cùng đi tìm hiểu sâu hơn về bệnh nha chu và nguy cơ dẫn tới ung thư. 

4.2 Viêm nha chu và nguy cơ ung thư tuyến tụy

Như chúng ta đã nói, viêm nha chu nhẹ thì chỉ dẫn tới tình trạng viêm nướu răng, nhưng nặng thì có thể dẫn tới việc chân răng bị vi khuẩn xâm nhập, ăn mòn và gây ra rụng răng. Không chỉ thế, khi bệnh nha chu phát tán, enzyme trong các vi khuẩn của bệnh nha chu có thể nhân lên với số lượng vô cùng lớn. Các loại enzyme này tồn tại trong vi khuẩn với tên gọi Treponema denticola. Và thật kinh ngạc là loại vi khuẩn này có thể là khởi phát của bệnh ung thư. 

Viêm nha chu và nguy cơ ung thư

Bênh nha chu có thể dẫn tới ung thư tuyến tụy

Treponema denticola có chứa các thành phần emzyme giúp cho các tế bào ung thư dễ dàng áp đảo các mô khỏe mạnh, khiến các mô khỏe trên cơ thể người chết dần và từ đó, chúng “đánh chiếm” đi toàn bộ cơ thể. Mà mối liên hệ lớn nhất có thể dẫn tới là tuyến tụy của con người. 

Tại Đại học Helsinki, Phần Lan, một cuộc nghiên cứu được tiến hành trên 70.000 người trưởng thành. Kết quả của cuộc nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ gần gũi giữa bệnh nha chu và ung thư tuyến tụy. Khi xem xét mối tương quan giữa tỉ lệ bệnh nha chu và tỉ lệ tử vong do ung thư tuyến tụy thì các chuyên gia đã phát hiện ra nhiều điểm trùng hợp. 

Ung thư tuyến tụy là một bệnh có rất nguy hiểm, bởi được biết tới là tỷ lệ sống sót rất thấp. Có nhiều yếu tố dẫn tới việc này, có thể kể đến như dấu hiện nhận biết của nó khá mơ hồ và nó sẽ càng tệ hơn nếu mắc bệnh nha chu. Thông thường khi phát hiện mắc bệnh ung thư tuyến tụy, nhiều bệnh nhân đã rơi vào giai đoạn cuối và tỉ lệ khắc phục không còn cao, khó vượt qua được mốc 6 tháng. 

4.3 Viêm nha chu và nguy cơ ung thư dạ dày

Trước đây, đã từng có những nghiên cứu về mối tương quan giữa bệnh nha chu và bệnh ung thư thực quản hay ung thư dạ dày nhưng kết quả đưa ra có nhiều sự không nhất quán. Do đó, để có được một kết quả chính xác nhất, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, ở Boston, Hoa Kỳ đã thực hiện một nghiên cứu theo dõi nhằm đưa ra kết luận về mối tương quan này. Và cuộc nghiên cứu đã tốn rất nhiều thập kỷ để theo dõi. 

Cuộc nghiên cứu này được thực hiện ở  98.459 phụ nữ và 49.685 nam giới. Quá trình chăm sóc nha khoa, thông tin nhân khẩu học, lối sống và chế độ ăn uống được theo dõi và đánh giá. Kết quả cho thấy trong suốt 22–28 năm theo dõi, có 199 trường hợp ung thư thực quản và 238 trường hợp ung thư dạ dày.

Những người có tiền sử bệnh nha chu có nguy cơ ung thư thực quản và ung thư dạ dày lần lượt là 43% và 52%. Hơn nữa còn có sự khác biệt giữa người mắc bệnh nha chu nặng và nha chu ở mức độ nhẹ. Theo đó, những người mắc bệnh nha chu từng bị rụng răng so với người mắc bệnh nha chu chưa bị rụng răng cao hơn một cách khiêm tốn – lần lượt là 42% và 33%.

bênh nha chu

Các vi khuẩn bệnh nha chu có thể gây ra ung thư dạ dày

Từ kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng có sự tương quan giữa vi khuẩn miệng do bệnh nha chu gây ra với ung thư thực quản và dạ dày. Hai loại vi khuẩn là tannerella forsythia và porphyromonas gingivalis – thành phần của mầm bệnh nha chu có thể dẫn tới nguy cơ ung thư thực quản.

Ngoài ra, một nguyên nhân ra cũng được đưa ra đó là do vệ sinh răng miệng kém, bệnh nha chu có thể thúc đẩy sự hình thành nitrosamine nội sinh, đây là nguyên nhân gây ung thư dạ dày thông qua vi khuẩn khử nitrat.

Cũng theo báo cáo, các chuyên ra cho rằng đây là một nghiên cứu quan sát nên không thể đưa ra kết luận chắc chắn về việc có sự liên quan mật thiết giữa bệnh nha chu và ung thư thực quản, ung thư dạ dày. Các tác động ngoại cảnh vẫn có thể xảy ra trong quá trình quan sát dẫn tới kết quả có thể sai lệch. Tuy nhiên, kết quả của cuộc nghiên cứu vẫn có thể là một tài liệu quý giá tiếp tục thúc đẩy con người tìm hiểu về bệnh nha chu cũng như sự ảnh hưởng nặng nề của căn bệnh này. 

5. Phương pháp khắc phục bệnh nha chu

Để khắc phục bệnh nha chu, có rất nhiều phương pháp được ứng dụng tùy vào mức độ bệnh của khách hàng. Căn cứ vào các biểu hiện bệnh mà sẽ có những phương pháp khắc phục phù hợp: 

  • Mức độ nhẹ, bệnh nha chu chỉ khiến cho vùng nướu bị viêm nhẹ. Với tình trạng này, việc cạo vôi răng, vê sinh răng miệng để loại bỏ vi khuẩn, khách hàng cần ghi nhớ đến khám tại phòng khám nha khoa 4-6 tháng một lần. 
  • Viêm nha chu mức độ đau nhức, giảm chức năng ăn nhai, xuất hiện mủ: với trường hợp này, khách hàng cần được cạo vôi răng, loại bỏ sạch đi túi mủ. Sau khi làm sạch, khách hàng cần được tiến hành việc trám tủy để vi khuẩn không xâm nhập ăn sâu vào bên trong. 
  • Răng bị lung lay, không còn vững, không thể bảo tồn: Với trường hợp này, răng đã không còn giữ được nữa nên cần thiết để bảo vệ các răng khỏe mạnh còn lại, khách hàng cần phải nhổ đi những răng đã hỏng, sau đó bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp khắc phục như trồng răng giả, cầu răng sứ hay cấy ghép implant. Các phương pháp này sẽ tùy vào tình trạng sức khỏe răng miệng để có phương pháp điều trị phù hợp. 

6. Phương pháp phòng ngừa bệnh nha chu

Nguyên nhân chính gây ra bệnh nha chu chính là việc vệ sinh không đúng cách. Vậy phải làm sao để phòng ngừa triệt để bệnh nha chu, bảo vệ sức khỏe răng miệng cũng như bảo vệ sức khỏe toàn cơ thể? Dưới đây là một số gợi ý của chuyên gia mà bạn có thể tham khảo: 

vệ sinh răng miệng bệnh nha chu

Vệ sinh răng miệng đúng cách và thường xuyên giúp phòng ngừa hiệu quả bênh nha chu

  • Không thể bỏ qua việc vệ sinh răng miệng đúng cách: Vệ sinh răng miệng đúng cách được xem là quá trình làm sạch răng miệng ít nhất 2 lần/ ngày. Khách hàng nên lựa chọn sử dụng nước súc miệng chuyên dụng chứ không nên súc miệng bằng nước lọc thông thường, ngoài ra, việc vệ sinh răng chỉ nên dùng chỉ nha khoa hoặc dùng tăm nước. Việc sử dụng tăm hoặc vật cứng để xỉa răng dễ khiến cho răng chảy máu, vùng nướu bị tổn thương và dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. 
  • Đừng quên đi tới phòng khám răng 4-6 tháng một lần. Như chúng ta đã tìm hiểu bên trên, việc tự vệ sinh răng miệng tại nhà không thể giúp chúng ta loại bỏ sạch được mảng bám. Mảng bám sẽ lại tiếp tục được hình thành ngay sau đó, lâu dần tích tụ sẽ thành cao răng và chưa đầy vi khuẩn. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc bị bệnh nha nhu. Vậy để loại bỏ triệt để các mảng bám đầy vi khuẩn này, bạn chỉ có thể làm được khi đến các phòng khám nha khoa, nơi có các thiết bị chuyên dụng giúp bạn lấy sạch đi những vùng cao răng có chứa nhiều vi khuẩn. Không chỉ được cạo vôi răng sạch sẽ, hãy nhớ trò chuyện với bác sĩ về phương pháp chăm sóc răng miệng đúng cách. 
  • Ghi nhớ chế độ ăn hợp lý: xây dựng chế độ ăn uống khoa học cũng là một điều vô cùng cần thiết. Việc có một chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp bạn loại bỏ đi những khả năng tạo mảng bám, từ đó sẽ không mất quá nhiều công sức cho việc chăm sóc răng mà vẫn có được sức khỏe răng miệng lành mạnh. Không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, tinh bột vì chúng sẽ tiếp xúc với vi khuẩn trong khoang miệng và làm tăng nguy cơ bị sâu răng. Hơn nữa, việc lựa chọn các thực phẩm giàu canxi, tốt cho sức khỏe răng, lợi cũng là một lựa chọn đúng đắn. Đừng quên bổ sung vitamin trong chế độ ăn uống hàng ngày. 
  • Ngoài thói quen dinh dưỡng thì thói quen sinh hoạt cũng là điều cần thiết. Việc sinh hoạt không khoa học, sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, hút thuốc lá,… không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe toàn cơ thể mà còn ảnh hưởng rất nặng nề tới sức khỏe răng miệng. Rõ ràng ta có thể nhận thấy, với những người hay hút thuốc răng thường bị ố, xỉn màu,… nặng hơn chính là hôi miệng, vùng nướu bị viêm và dễ đen ở vùng chân răng. 

Bệnh nha chu thực sự là một bệnh lý răng miệng rất phổ biến. Nó sẽ không gây ra hậu quả quá nặng nề nếu như ta phát hiện sớm và có những phương pháp khắc phục đúng đắn. Nhưng nếu sức khỏe răng miệng quá bị thờ ơ, không được quan tâm chăm sóc thường xuyên thì có thể dẫn tới những biến chứng rất nặng nề. Vậy nên hãy quan tâm và chăm sóc sức khỏe răng miệng ngay khi có thể! 

Hi vọng những chia sẻ trên đây của DentalFlow sẽ giúp khách hàng có được những kiến thức nhất định về bệnh nha chu, đồng thời sẽ có kế hoạch chăm sóc sức khỏe răng miệng nói riêng và cơ thể nói chung một cách đúng đắn nhất!

webinar-benh-an-dien-tu-dentalflow
Đăng ký dùng thử